Lịch sử Diễn thuyết trước công chúng

Cicero phản bác Catiline,
bích họa của Cesare Maccari (1840-1919)

Nghệ thuật diễn thuyết trước công chúng, cũng như các bài diễn văn, đã có từ thời xa xưa. Quyển sách giáo khoa đầu tiên về chủ đề này được viết hơn 2.400 năm trước, những nguyên lý được trình bày cặn kẽ trong đó đã được đem vào ứng dụng qua trải nghiệm của những nhà hùng biện Hy Lạp cổ đại.

Từ thời Ai Cập cổ đại, người ta đã biết đào luyện nghệ thuật diễn thuyết trước công chúng.[1] Trong các môn học kinh điển ở Hy LạpLa Mã, thuật hùng biện (soạn và trình bày các bài diễn văn) chiếm phần chính, và là một kỹ năng quan trọng trong cuộc sống thường nhật, ở nơi công cộng hoặc chỗ riêng tư. AristotleQuintilian đều bàn luận về thuật hùng biện và mục tiêu của nó, với những quy luật và hình thái rõ ràng. Thuật hùng biện cũng được xem là một phần trong giáo dục đại học tổng quan suốt thời Trung Cổ và thời Phục hưng.

Nghệ thuật diễn thuyết trước công chúng đã được phát triển từ thời Hy Lạp cổ đại. Người thời sau biết đến thuật hùng biện Hy Lạp qua những tác phẩm cổ xưa. Nhà hùng biện Hy Lạp diễn thuyết với tư cách cá nhân hơn là đại diện cho khách hàng hoặc cho cộng đồng, vì vậy bất cứ ai muốn thành công tại tòa án, trong chính trường, hay trong đời sống xã hội đều phải học biết kỹ thuật nói chuyện trước đám đông. Khởi thủy, một nhóm người tự nhận là "giáo sư triết học" đứng ra truyền dạy những kỹ năng này để nhận tiền công. Plato, Aristotle, và Socrates đều đã phát triển lý thuyết diễn thuyết trước công chúng để chống lại các "giáo sư triết học". Mặc dù Hy Lạp đánh mất sự thống trị về chính trị, kỹ năng huấn luyện nghệ thuật diễn thuyết trước công chúng của người Hy Lạp đã được người La Mã tiếp nhận rộng rãi.

Cùng lúc với sự trỗi dậy của nền Cộng hòa La Mã, những nhà hùng biện La Mã sao chép và dung hòa những kỹ năng diễn thuyết trước công chúng của người Hy Lạp. Người La Mã phát triển thuật hùng biện thành một giáo trình đầy đủ với những hướng dẫn về ngữ pháp (nghiên cứu thi ca), thực hành kỹ năng, và phương pháp soạn diễn văn cả trong hai thể loại thảo luận hay tranh luận công khai. Cicero đã có ảnh hưởng sâu đậm trên thuật hùng biện theo phong cách Latin, nhấn mạnh đến nền giáo dục tổng quan trong mọi lãnh vực của khoa học nhân văn cũng như kỹ năng khai thác sự hóm hỉnh và óc hài hước nhằm tác động đến cảm xúc của cử tọa, cùng nghệ thuật chuyển chủ đề (thường được dùng để đánh lạc hướng người nghe rồi đột ngột dẫn họ trở lại chủ đề chính). Trong thời Đế quốc La Mã, dù không được xem là trọng tâm trong đời sống chính trị như thời Cộng hòa, thuật hùng biện vẫn là nhân tố quan trọng trong luật pháp, và các hình thức giải trí, với những nhà hùng biện nổi tiếng có thể đạt nhiều danh lợi nhờ khả năng diễn thuyết của mình.

Phong cách Latin tiếp tục duy trì ảnh hưởng cho đến đầu thế kỷ 20. Với sự trỗi dậy của phương pháp khoa học và sự nhấn mạnh vào phong cách "đơn giản" trong nghệ thuật viết và nói, ngay cả những bài diễn văn trang trọng ngày nay cũng kém xa những bài diễn văn cổ điển trong khía cạnh trau chuốt và bóng bẩy, mặc dù sự thành bại của các chính trị gia ngày nay có thể phụ thuộc vào hiệu quả của những bài diễn văn. Nhiều người cho rằng Abraham Lincoln, Adolf Hitler, Marcus Garvey, John F. Kennedy, và Bill Clinton đã thăng tiến trong sự nghiệp phần lớn nhờ vào kỹ năng hùng biện của họ.

Khi xã hội dịch chuyển và các nền văn hóa biến thiên, những nguyên lý này cũng thay đổi dù vẫn duy trì được tính nhất quán của chúng. Kỹ thuật và phương pháp của hình thái này thuộc môn truyền thông học từ lâu vẫn dựa vào cấu trúc hùng biện cũng như sự phụ thuộc vào cử tọa. Tuy nhiên, những tiến bộ trong khoa học kỹ thuật cung ứng cho diễn giả những thiết bị tinh vi hơn, thí dụ như hội nghị trực tuyến và viễn thông. Hội nghị trực tuyến là một trong những công nghệ hiện đại đã làm thay đổi cung cách truyền thông giữa diễn giả và đại chúng.